Quây bạt ngoài đồng nuôi lươn đẻ, anh nông dân trẻ tỉnh An Giang sống "khỏe re"
09:38 - 20/09/2021
Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang trở nên rất phổ biến và đa dạng. Nuôi lươn mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình nuôi thủy sản khác. Trong đó, mô hình nuôi lươn đồng được đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh.

Quây bạt ngoài đồng nuôi lươn đẻ, anh nông dân trẻ tỉnh An Giang sống "khỏe re" - Ảnh 1.
Xây dựng mô hình nuôi lươn sinh sản ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang)
 

Tuy nhiên, nguồn con giống trong tự nhiên khan hiếm, giống lươn được khai thác không đúng kỹ thuật, nên khi nuôi, tỷ lệ rủi ro, hao hụt là rất cao. 

Do nhu cầu về lươn giống là khá lớn, trong khi nguồn lươn giống trước giờ người nuôi chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, vì lẽ đó lươn giống đánh bắt tự nhiên đã khan hiếm, nay càng trở nên khan hiếm hơn.

Nắm bắt được thị trường khan hiếm lươn giống, cung không đủ cầu, cùng với lòng đam mê, anh Nguyễn Hải Vương, ngụ ấp Long Châu, xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là một điển hình cụ thể, dần ăn nên làm ra từ mô hình nuôi lươn sinh sản. 

Anh Nguyễn Hải Vương chia sẻ: Anh bắt đầu nuôi lươn sinh sản từ tháng 5/2020 đến nay, với sự sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nhiệt tình của người em trai, là 1 trong những kỹ sư trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, hướng dẫn về mặt kỹ thuật.

Anh đã tự tin, mạnh dạn bắt tay vào xây dựng trại nuôi, xây dựng mô hình nuôi lươn đồng bố mẹ và cho lươn sinh sản tự nhiên thành công, giải quyết được nguồn con giống cho người nuôi. 

Theo lời anh: Trước đó, anh đã từng nuôi lươn thịt thương phẩm được khoảng 3 năm, trước khi chuyển sang nuôi lươn giống sinh sản. 

Thật sự, thành công từ mô hình nuôi lươn sinh sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất và mở rộng mô hình nuôi lươn thương phẩm ở địa phương. 

Người nông dân có thể chủ động được nguồn con giống, giảm tỷ lệ hao hụt, giảm chi phí đầu tư so với sử dụng nguồn lươn giống ngoài tự nhiên. 

Tuy nhiên, vấn đề thay đổi thói quen, suy nghĩ, tập quán nuôi lươn thương phẩm theo cách nuôi truyền thống của bà con tại địa phương, hướng đến việc chọn lựa nuôi lươn thương phẩm không bùn, vẫn chưa thay đổi được, còn nhiều lý do…

Điều đó cho thấy bà con vẫn chưa mặn mà, bởi lẽ đã quen với cách nuôi lươn thương phẩm từ lươn thiên nhiên. 

Qua tìm hiểu, được biết: Hiện sản lượng lươn giống sinh sản của gia đình anh Vương sản xuất, được thương lái đặt hàng và cung cấp con giống thường xuyên, chủ yếu đến từ các tỉnh Hậu Giang và Bạc Liêu. 

Để sản xuất, nhân sản lượng lươn giống thành công, việc chăn nuôi phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng là đảm bảo nguồn nước sạch, khu vực nuôi không bị nhiễm phèn, mặn, mặt bằng đủ rộng, nguồn thức ăn dồi dào, thuận tiện cho việc vận chuyển v.v…

So với nhiều mô hình chăn nuôi khác, nuôi lươn là mô hình kinh tế dễ làm, đặc biệt rất phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. 

Người nuôi không tốn nhiều diện tích và chi phí đầu tư nhưng hiệu quả kinh tế lại khá ổn định. Đặc biệt, khi chủ động sản xuất được con giống nhân tạo như hiện nay thì vấn đề khó khăn về con giống sẽ không còn nữa. 

Với diện tích khoảng 480m2 mặt nước, anh Vương đã xây dựng khoảng 30 hồ trãi bạt để nuôi lươn bố mẹ. Mỗi bể nuôi có diện tích 16 m2 , anh thả lươn bố mẹ từ 100-120 con.

Theo anh, nuôi lươn bố mẹ và cho lươn đẻ, ấp trứng không khó, từ trứng phát triển thành lươn con giống, mất khoảng thời gian ít nhất 3 tháng trở lên, có thể xuất bán. 

Tùy theo kích cỡ lươn giống theo đơn đặt hàng, theo giá thị trường dao động từ 4000 đồng/con - 5000 đồng/con, anh xuất bán từ 6000 con -7000 con lươn giống mỗi đợt. 

Sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, từ lươn bố mẹ, bể, đất, dụng cụ cho ấp trứng, thức ăn, nhiên liệu, công chăm sóc…nguồn lợi nhuận mang về khá ổn định. 

Anh Vương hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều đầu ra tốt, với giá cả ổn định, để anh vững tin và tiếp tục phát triển kinh tế với mô hình sản xuất này.

Hiện tại, mô hình nuôi lươn giống sinh sản được các anh em gia đình anh Vương phối hợp mở rộng và phát triển được diện tích khoảng trên 5000 m2 và hiện có tổng số 15 hộ khu vực lận cận ấp Long Châu cùng nuôi, chọn nuôi lươn sinh sản để phát triển kinh tế. 

Với kết quả trên cho thấy: bằng biện pháp kỹ thuật sản xuất giống lươn từ phương pháp sinh sản bán nhân tạo, thực sự không quá phức tạp.

Nông dân có tâm huyết chí thú lao động, nếu được đào tạo lý thuyết và hướng dẫn thực hành cơ bản, đều có thể ứng dụng phù hợp với nhiều điều kiện sản xuất khác nhau, nhất là đối với quy mô sản xuất nông hộ hiện nay. 

Mô hình nuôi lươn sinh sản của gia đình anh Vương đã tạo bước đầu trong cơ cấu chuyển dịch kinh tế nông nghiệp ở xã Thạnh Mỹ Tây nói riêng và huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) nói chung, để sử dụng và khai thác hiệu quả diện tích sẵn có.

Mô hình nuôi lươn sinh sản còn góp phần nâng dần giá trị đất trên các vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định và bền vững.

Mô hình nuôi lươn cũng tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, trong đó có hộ gia đình anh Nguyễn Hải Vương là một điển hình cụ thể, mô hình của anh đã và đang nhận được sự quan tâm ở địa phương./.



 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn