Hà Tĩnh: Giống cam từng chỉ dành cho vua chúa chín đỏ vườn đồi, thương lái tranh nhau mua
Xưa, cam bù là một trong những “của ngon vật lạ” tiến vua, còn ngày nay, những người nông dân bình thường vẫn có điều kiện thưởng thức đặc sản ngày xưa chỉ dành vua chúa. Những ngày này, vựa cam đặc sản ở Hà Tĩnh đang vào thời kỳ thu hoạch, chín đỏ rực trên các vườn đồi, thương lái tranh nhau đặt hàng.
|
Ảnh minh họa |
Cam bù giảm sản lượng nhưng được giá
Cam bù xuất hiện từ hàng chục năm trước nhưng đến những năm 1960 mới được người dân huyện miền núi Vũ Quang và Hương Sơn (Hà Tĩnh) mở rộng diện tích để phát triển kinh tế.
Khoảng đầu 12 âm lịch, cam bù đã bắt đầu chín. Đây cũng là thời gian mà trên các sạp hoa quả tại các chợ, những quán ven đường quốc lộ cam bù đã được người dân bày bán.
Loại cam đặc sản này có màu sắc đẹp, mùi thơm, vị ngọt chua nên được thực khách ưa chuộng. Giá bán dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg trở lên tùy thời điểm, có thời điểm người dân bán được giá kỷ lục 120.000 đồng/kg. Càng đến những ngày cận Tết Nguyên đán, giá cam lại càng tăng.
Xã Thọ Điền được xem là "thủ phủ" cam bù của huyện Vũ Quang. Ở vùng này, hầu như nhà nào cũng trồng cam bù. Hộ ít thì vài chục cây, có hộ nhiều lên đến vài nghìn cây. Nhiều gia đình cải tạo đồi, lập trang trại để trồng cam.
Người trồng phấn khởi
Là một trong những hộ dân trồng cam có tiếng từ lâu tại địa phương, anh Nguyễn Văn Mai (1972, thôn 3, xã Thọ Điền), hiện có 250 gốc cam bù. Có nhiều cây cam bù trong vườn nhà anh có tuổi thọ gần 20 năm.
"Năm nay thời tiết giá rét cùng với năm nhuận nên cam bù chín rộ vào đúng dịp gần Tết. Lâu lắm rồi, cam bù mới ngọt và ngon như năm nay", anh Mai chia sẻ.
Cũng theo anh Mai, năm ngoái gia đình anh thu về khoảng 6 tấn cả cam chanh và cam bù thì năm nay chỉ còn khoảng 4 tấn. Tuy nhiên giá bán năm nay cao hơn nên nếu tính thành tiền thì cũng không lỗ.
Cây cam bù được trồng chủ yếu ở các xã Sơn Thọ, Đức Lĩnh… (huyện Vũ Quang). Ngoài ra, các xã Sơn Mai, Sơn Trường… của huyện Hương Sơn cũng trồng cam bù với diện tích hàng ngàn héc ta. Cam được người dân mua về thờ cúng dịp Tết, ngày rằm, đầu tháng. Nhiều gia đình còn đóng hộp làm quà biếu, gửi cho người thân ở các tỉnh xa.
Theo những người trồng cam lâu năm ở đây, cam bù thường được trồng ở những đồi núi cao, dốc. Cây cam muốn có quả đều và đẹp thì phải có độ tuổi từ 4 năm tuổi trở lên. Việc chăm sóc cam cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn như bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh. Mỗi năm cây cam được bón 2 lần phân chuồng, ngoài ra còn phải bổ sung các loại phân khác.
Trung bình mỗi gốc cam cho năng suất từ 20 -50kg/cây/năm. Có nhiều gốc cam lớn cho năng suất gần 100kg/năm.
"Toàn xã Thọ Điền hiện có hơn 500ha cam, trong đó hơn 300ha diện tích cho thu nhập. Giống cây này tập trung nhiều xóm 1, 3, 5, 7… và ngày càng mở rộng diện tích ở nhiều vùng khác. Năm nay, cam bù cho sản lượng thấp hơn nhưng giá bán lại cao hơn năm trước từ 5.000-10.000 đồng/kg" - ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền. |