Hậu Giang: Trồng thứ cây nổi bập bềnh, "giấu" củ dưới nước, mỗi lần hái hàng tấn, nông dân đổi đời
Anh Nguyễn Quốc Thái, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chuyển đổi 5.000 m2 diện tích trồng lúa Hè Thu và Thu Đông sang mô hình trồng cây ấu lấy củ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Quốc Thái, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng ấu gai trên ruộng, luân canh một vụ lúa, một vụ ấu.
Qua thực tế cho thấy mô hình trồng cây ấu lấy củ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện ruộng ấu nhà anh Thái vào mùa hái củ.
|
Nguyễn Quốc Thái, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang hái củ ấu để giao cho thương lái |
Cứ 12 ngày anh đi hái củ ấu 1 lần, mỗi lần hái bình quân 1,3 tấn củ ấu. Và cứ thế, anh hái củ ấu liên tục trong thời gian từ 100 - 120 ngày.
Với giá bán củ ấu là 5.000 đồng/kg, anh Thái có nguồn thu nhập khoảng 78 triệu đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, ước tính vụ ấu năm nay gia đình anh có lợi nhuận hơn 63 triệu đồng.
Theo anh Thái, cây ấu từ khi trồng đến ngày thu hoạch khoảng 110 – 120 ngày (tùy theo mật độ trồng).
Khi cây ấu đến ngày thu hoạch cũng vào thời điểm mùa nước lũ về nên nguồn nước dồi dào, thích hợp cho cây ấu phát triển và cho củ nhiều.
Còn về kỹ thuật trồng ấu cũng rất nhẹ công. Cây ấu giống khi thả xuống ruộng thì cho nước ra vào thường xuyên, tránh tình trạng nước trong ruộng bị thối.
Trong quá trình chăm sóc cây ấu chỉ đặc biệt chú ý phòng trị bọ trĩ đeo làm hư đọt ấu, nhất là trong thời điểm nắng nóng.
Ngoài việc tạo thu nhập cho bà con trực tiếp canh tác, mô hình trồng ấu lấy củ còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần cũng chính quyền xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chung tay xây dựng nông thôn mới. |