Triển vọng cây hà thủ ô đỏ ở Cao Bằng
08:27 - 24/11/2020
Hà thủ ô đỏ được nông dân trồng tập trung tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bước đầu đem lại thu nhập gấp hàng chục lần trồng ngô, lúa.

Hà thủ ô đỏ có vị chát, ngọt, đắng, tính hơi ấm. Theo Đông y, ngoài công dụng làm đen tóc, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét… được người dân sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Thị trường tiêu thụ sản phẩm này rất ổn định và có nhiều tiềm năng.

Để thủ ô đỏ thành vùng dược liệu lớn, góp phần xóa nghèo cho đồng bảo dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lạc, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Cao Bằng đã thực hiện Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc”, nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Mục tiêu chính là nhân giống, trồng trọt, thu hoạch hà thủ ô đỏ theo tiêu chuẩn GACP-WHO, bảo quản, sơ chế, sản xuất cao và một số sản phẩm từ hà thủ ô đỏ huyện Bảo Lạc.

Tham quan mô hình trồng hà thủ ô đỏ tại trị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc.

Tham quan mô hình trồng hà thủ ô đỏ tại trị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc.

Ông Ninh Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Quan Đạo thông tin: Công ty chủ động ươm hơn 200.000 bầu giống thủ ô đỏ, xây dựng mô hình trồng hà thủ ô đỏ trình diễn tập trung tại các xã: Thượng Hà, Hồng Trị, Xuân Trường và thị trấn Bảo Lạc với quy mô 5 ha.

Ngoài ra, còn triển khai trồng hà thủ ô đỏ phân tán tại các xã: Cô Ba, Phan Thanh, Khánh Xuân... để tăng nguồn cung sản phẩm và mở rộng vùng nguyên liệu. Các hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng hà thủ ô đỏ và Cty bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Mô hình trồng hà thủ ô đỏ tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc.

Mô hình trồng hà thủ ô đỏ tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc.

 

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, năng suất hà thủ ô đỏ trung bình sau 3 năm trồng cho thu hoạch đạt 12 tấn/1.000 m2, giá bán  50.000 đồng/kg củ tươi, thu nhập đạt 600 triệu đồng/1.000 m2. Tuy nhiên, tỷ lệ cây mọc và phát triển mới chỉ đạt trên 60%, ngoài ra để cây đạt năng suất cao còn phải áp dụng đúng kỹ thuật theo từng giai đoạn nên chỉ cần năng suất đạt từ 4 - 5 tấn/1.000 m2 thì đã đem lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng cho người dân, gấp rất nhiều lần so với trồng các loại cây trồng khác, ông Tuyến cho biết thêm.

Anh Hoàng Lê Nam, thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc chia sẻ: Cuối năm 2019, tôi chuyển đổi khoảng 4.000 m2 đất ruộng sang trồng 17.000 cây hà thủ ô đỏ, theo dự kiến sẽ cho thu hoạch hơn 10 tấn củ, cho thu lãi vài trăm triệu đồng.

Còn anh Quan Văn Quyết, hộ nghèo xóm Phiêng Sáng, xã Cô Ba tâm sự: Gia đình tôi quanh năm chủ yếu trồng ngô, lúa và dâu tằm nên chỉ đủ ăn. Mấy vụ gần đây thấy nhiều người thu lãi cả trăm triệu từ trồng thủ ô đỏ, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 2.000 m2 ruộng trồng dâu tằm sang trồng loại cây này. Hiện tại hà thủ ô đỏ đang phát triển tốt, hy vọng sẽ đem lại thu nhập ổn định.

Công ty TNHH Quan Đạo chủ động nguồn giống cung cấp cho nông dân Bảo Lạc.

Công ty TNHH Quan Đạo chủ động nguồn giống cung cấp cho nông dân Bảo Lạc.

Theo ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cô Ba: Cây hà thủ ô đỏ hiện nay đã được nhiều hộ dân trồng tập trung và phân tán trong rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Bà Lãnh Thị Mai, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bảo Lạc cho biết: Với địa hình chủ yếu là đồi, núi, thiên nhiên ưu đãi cho huyện Bảo Lạc có nhiều loại dược liệu quý sẵn có trong tự nhiên, trong đó có cây hà thủ ô đỏ. Dự án trồng hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc sẽ mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân. Nếu đầu ra cứ ổn định như hiện nay, cây hà thủ đô đỏ sẽ đem lại hàng trăm triệu đồng cho mỗi người dân tham gia trồng và cây hà thủ ô sẽ góp phần xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Công Hải - Việt Bắc
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn