Ít ai ngờ rằng Thủ đô cũng có vùng chuyên canh chè rộng tới vài ngàn ha ở Ba Vì mà hương vị của nó khác hẳn với chè Thái Nguyên hay chè Phú Thọ
Hôm nay chị Nguyễn Thị Huyền ở xóm Xoan xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) lên vườn chè rộng hơn 1 mẫu của mình để hái những búp non theo dạng một tôm hai lá. Những hàng chè 14-15 năm tuổi tán được thường xuyên cắt phẳng trông rất vững chắc, cảm tưởng có thể đi trên đó được. Nhà chị có 2 lao động thường xuyên tham gia vào nghề này, tính ra tổng thu mỗi năm trung bình được khoảng 100 triệu, trừ tất cả các chi phí đầu vào cũng lãi được cỡ 90 triệu.
Tuy là sản xuất thông thường không nhãn mác, thương hiệu nhưng gia đình chị vẫn tuân thủ theo hướng an toàn, khi có bệnh mới phun thuốc chứ không như xưa cứ phun theo cữ để đề phòng, dư lượng để lại rất độc hại. Thuốc dùng chủ yếu là các loại có nguồn gốc sinh học dù giá đắt hơn, hiệu quả lại không nhanh, không thấy rõ như thuốc hóa học nhưng an toàn cho cả người trồng, môi trường lẫn người tiêu dùng vì chúng luôn được cách ly trước thời gian thu hoạch khoảng 10-15 ngày.
Chè bán tươi ngay tại nhà chị giá 15-20.000đ/kg còn không sẽ mang đến xưởng sao thuê để làm chè khô. Ở đó chè tươi được bỏ vào máy sao dùng củi để đốt. Công đoạn đầu tiên được gọi là “luộc”, lửa dưới lò được đốt cho thật to để chè nhanh “chín” nhưng vẫn giữ được màu xanh. Khi chè đã đủ độ chín thì tắt lửa, chuyển sang máy vò rồi lại tiếp tục cho vào sao. Lúc này thì lửa được giữ nhỏ hơn, đều đặn hơn để đảm bảo chè không bị bén hay cháy. Khi chè đã thật khô mới đến công đoạn “đánh mốc”.
Nhờ đó mà hương chè Ba Vì thơm dịu nhẹ, vị đậm đà ngọt hậu rất đặc trưng khác hẳn với chè Thái Nguyên hay chè Phú Thọ. Cứ trung bình 5 kg búp tươi chế biến được 1 kg chè khô, giá bán dao động 150-200.000đ/kg tùy thời điểm. Nghề trồng chè tuy không phải là truyền thống ở xã Vân Hòa mà mới chỉ phát triển được chừng 20 năm trở lại đây nhưng cũng khá ổn định và đem lại thu nhập cho một bộ phận bà con bên cạnh nghề trồng cỏ voi, nuôi bò sữa đã rất nổi tiếng.
Hiện tổng diện tích chè của toàn huyện Ba Vì vào khoảng 1.750-1.800ha, trước đây chủ yếu là giống trung du lá nhỏ giờ có thêm cả Ô Long, Kim Tuyên chất lượng cao, được trồng tập trung tại những xã miền núi và đồi gò. Xã Ba Trại có diện tích chè lớn nhất huyện với 560ha có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Với người dân nơi đây, chè là nguồn thu nhập chính. Thời gian gần đây không chỉ có khâu giống được đổi mới mà khâu canh tác cũng thế, được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc phục vụ phun, tưới, sao chè và đặc biệt là theo chuẩn Vietgap.
Để làm chè theo chuẩn Vietgap rất kỳ công. Các cơ quan ban ngành cùng với chính quyền địa phương đã làm sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình trong đó ghi tỉ mỉ ngày nào bón phân, phân gì, ngày nào phun thuốc, phun loại gì, ngày nào hái, thời gian cách ly bao lâu... Đồng thời các cán bộ nông nghiệp còn thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn người trồng chè thực hiện 6 điều phải làm và 6 điều không được làm để giữ được thương hiệu chè Ba Vì đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận từ năm 2010.
Ngoài việc hái lá làm thức uống các vườn chè ở Ba Vì còn là nơi để cho du khách đến check in tham quan, chụp ảnh. Hiện nhiều xã ở đây còn có các tua cho du khách tham gia trải nghiệm như tự tay đi hái chè, sao chè và mua sản phẩm của chính mình làm ra về làm quà.
Từ những yếu tố tự nhiên như địa hình cao, khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng có nhiều vi chất đặc biệt huyện Ba Vì có khoảng 3000 ha đất hoàn toàn phù hợp để trồng chè. Nếu như trước đây bà con trong vùng trồng chè nhỏ lẻ xen cây ăn quả hay vườn tạp với mục đích để uống trong gia đình là chính thì ngày nay đã phát triển chè thành hàng hóa quy mô, dần xây dựng được thương hiệu.