Chuyện làm Global GAP ở xứ Thanh
10:11 - 20/11/2020
Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) được ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa hết sức quan tâm, nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP được hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Hiểu đúng để làm đúng

Tiêu chuẩn Global GAP được xây dựng để áp dụng cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Trọng tâm của tiêu chuẩn này là hướng đến sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
 

Do đó, một khi sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận Global GAP sẽ có lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
 

Năm 2016, anh Nguyễn Văn Chung, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) thuê 60 ha đất đồi, huy động vốn để đầu tư xây dựng mô hình nông trại trồng cam lòng vàng, bưởi da xanh và các loại cây ăn quả khác. Bước vào xây dựng nông trại, anh Chung thuê kỹ sư nông nghiệp về tư vấn, quy hoạch và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. Toàn bộ diện tích nông trại đều được thiết kế áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh và áp dụng cơ giới trong sản xuất.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - UV BCH TW Đảng, Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình nông nghiệp trang trại công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Chung, huyện Thạch Thành

Trang trại của gia đình anh là đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận tiêu chuẩn "Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu" (GlobalGAP) trên cây cam. Đây là tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện nay trên thế giới mà nhà nhập khẩu đưa ra để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này đã giúp sản phẩm của gia đình anh dễ dàng xuất khẩu ra nước ngoài và đặc biệt vào thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
 

Với mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn GlobalGAP không chỉ giúp cây cam sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sản xuất. "Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật của GlobalGAP như trồng chuyên canh, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục, giảm phân hóa học và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng và xây dựng nhà kho, bồn rửa để bảo quản sau thu hoạch".
 

Anh Chung cho biết: Để đạt được thương hiệu GlobalGAP đòi hỏi phải có quá trình sản xuất chuyên nghiệp và bài bản, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăm sóc và nhất là cách ly an toàn. Vì nếu khi đã đăng ký thương hiệu GlobalGAP mà sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định quốc tế, trang trại sẽ bị phạt nặng, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới uy tín ngành nông nghiệp nước nhà.
 

Thay đổi từ nhận thức

Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản lý Nông trại Thủy Chung, thị trấn Vân Du, cho biết: Nhằm hướng đến sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, nông trại đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Để đạt được tiêu chuẩn Global GAP, đòi hỏi phải có quá trình sản xuất chuyên nghiệp và bài bản, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp trong sản xuất. 
 

Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn, thì lao động làm việc tại nông trại phải được trang bị kiến thức và có phương pháp làm việc chuyên nghiệp. Với sự nỗ lực của mình, năm 2019 nông trại đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất Global GAP.
 

Hiện nay, nông trại đang tạo việc làm ổn định cho 45 - 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2020, sản lượng cam của nông trại đạt khoảng 900 tấn và bưởi da xanh 70 tấn. Hiện, sản phẩm của nông trại đã đạt chứng nhận Global GAP và đang tìm kiếm thị trường để đưa sản phẩm cây ăn quả có múi của nông trại xuất khẩu ra nước ngoài.
 

Với sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, cộng với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông... đã ứng dụng và chuyển giao nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng Global GAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, ở các địa phương trong tỉnh, việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cũng đang được quan tâm thực hiện...
 

Toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm trang trại trồng cây ăn quả đã đăng ký chất lượng VietGAP nhưng để đạt được tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn nhiều việc phải làm bởi trên thực tế, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn Global GAP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí áp dụng mô hình cao, việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn Global GAP còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
 

Do đó, muốn mở rộng các mô hình Global GAP, phải biết gắn an toàn giữa sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam ngang tầm với các nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời kỳ đất nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
 

Quy trình sản xuất Global GAP có 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chuẩn có thể tuân thủ đến mức 95% và có 89 kiến nghị khuyến cáo phải thực hiện. Để đạt tiêu chuẩn (hay chứng nhận) Global GAP, người sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khi gieo trồng đến khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản.
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn