Phát huy hiệu quả các mô hình hội viên, nông dân bảo vệ môi trường
10:40 - 26/10/2020
(MTNT) – Nhờ xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân ở địa bàn nông thôn, các cấp Hội đã chỉ đạo và triển khai, xây dựng nhiều mô hình hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường mang lại kết quả tích cực.

Nhờ công tác bảo vệ môi trường nông thôn tập trung vào những nội dung cụ thể, thiết thực đã giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, giữ gìn vệ sinh trong sản xuất, chăn nuôi

 
Để công tác bảo vệ môi trường nông thôn tập trung vào những nội dung cụ thể, thiết thực, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Gia Lai đã quan tâm và tích cực chỉ đạo 220 cơ sở Hội triển khai xây dựng 222 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu”.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã thường xuyên hỗ trợ và vận động hội viên, nông dân xây dựng trên 8.700 nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, khuyến khích, giúp đỡ hàng trăm hộ dân trên địa bàn thay đổi dần thói quen cũ, thực hiện việc di dời các chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng như nâng cao sức khỏe cho hội viên, nông dân.

 
Nhằm giúp bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh vừa phát triển kinh tế, vừa hạn chế việc thải rác bừa bãi ra môi trường, Hội ND tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường cụ thể, thiết thực như: Mô hình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; phân loại rác thải tại nguồn; thu gom vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… triển khai tại nhiều thôn, làng đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận.

 
Theo đó, tháng 3/2020, Hội ND tỉnh tập trung triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt” tại làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Có 30 hộ dân tham gia thực hiện mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 1 thùng đựng rác 2 ngăn và được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải theo hình thức: Rác hữu cơ đem bỏ ra sau vườn dùng để ủ làm phân bón cho cây trồng; các rác thải vô cơ được tập trung lại và có xe thu gom, định kì sẽ đến thu tận nhà rồi mang đi xử lí theo qui định.

 
Cùng với việc tổ chức thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, các cấp chính quyền trong xã còn xây dựng và lắp đặt trên 60 thùng chứa bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại nhiều tuyến đường, đồng ruộng. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trên địa bàn về những tác hại nguy hiểm của các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và môi trường sống. Từ đó, giúp bà con có ý thức trong việc thải bỏ những loại rác độc hại này vào đúng nơi quy định.

 
Hay như mô hình “Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh” cũng được Hội ND tỉnh hỗ trợ xây dựng và triển khai tại làng Hreng với 27 hộ tham gia. Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng trại, tập huấn về cách làm vệ sinh và xử lý các chất thải trong chăn nuôi. Nhờ tích cực vận động, hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại riêng biệt bên ngoài nơi sinh sống đã giúp từ bỏ dần thói quen chăn nuôi thả rông, chăn nuôi dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm môi trường như trước đây.

 
Bên cạnh đó, bà con dân làng Hreng còn được các cấp Hội tổ chức hướng dẫn và tạo điều kiện tham gia thực hiện mô hình “Nuôi gà mía theo hướng an toàn sinh học”. Qua đó, bà con được cung cấp giống, hỗ trợ thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cũng như được phổ biến các kỹ thuật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học như: Rải trấu làm nền chuồng; trộn men sinh học vào trấu để giảm mùi hôi và hạn chế các mầm bệnh gây hại cho đàn gà...

 
Mô hình này không chỉ giúp các hộ dân có thêm thu nhập mà còn làm thay đổi nhận thức, phương pháp nuôi gà; biết tận dụng các phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để giúp giảm bớt chi phí đầu tư. Ngoài ra, bà con biết cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi cũng góp phần giảm thiểu dịch bệnh trên đàn vật nuôi, gia tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
 

Thời gian qua, ước tính bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phát sinh khoảng trên 2.000 tấn chất thải rắn, rác thải sinh hoạt ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, sau khi được thu gom về các điểm tập kết theo quy định, toàn bộ số rác thải này chủ yếu vẫn đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Mặc dù chính quyền tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo tích cực trong việc đầu tư xây dựng một số dự án xử lý rác tại nhiều địa phương, song hiệu quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra.
 

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Thông qua nhiều hình thức, nội dung tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương đang cho thấy mang lại nhiều kết quả rõ rệt.

 
Đến nay, 100% các huyện, thành Hội đều xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường ở các cơ sở, chi tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân. Đặc biệt, việc tổ chức các hoạt động cao điểm thường kết hợp cùng vào thời điểm phát động các đợt hưởng ứng những ngày lễ lớn về môi trường đã giúp thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo hội viên, nông dân cũng như người dân nông thôn.

 
Hàng năm, các cấp Hội tổ chức cho các chi, tổ Hội triển khai tới từng gia đình hội viên, nông dân ký cam kết thực hiện 6 nội dung "Gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường"; đồng thời, đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào chỉ tiêu xếp loại thi đua bình xét, đánh giá cuối năm. Bên cạnh đó, phát động mỗi cơ sở Hội có một việc làm cụ thể để tham gia bảo vệ môi trường, tiêu biểu như: Thu gom rác thải trong thôn, xóm và khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây; xây dựng các tuyến đường không rác thải...

 
Một số đơn vị đã phối hợp triển khai rất tốt, mang lại kết quả thiết thực. Điển hình như Hội ND huyện Quảng Xương đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua các hoạt động được triển khai đã khuyến khích bà con nông dân nâng cao nhận thức, tích cực ứng dụng công nghệ mới, các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu; hạn chế việc sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu làm phát sinh nhiều loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính...

 
Để thể hiện vai trò gương mẫu của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn và vận động bà con nông dân tiến hành thu gom, phân loại các chất thải, rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình; hình thành và duy trì mô hình các tổ thu gom, xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư để tập trung, vận chuyển tới các địa điểm xử lý theo quy định. Ngoài ra, thường xuyên huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải tại địa bàn nông thôn…

 
Hiện, toàn huyện đã lắp đặt và xây dựng 1.200 bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng; đồng thời, xây dựng 290 mô hình đoạn đường nông dân tự quản...

 
Hội ND huyện còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho bà con nông dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn nguồn nước sạch; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không xả, vứt rác thải bừa bãi... Ngoài ra, vận động hội viên, nông dân hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, cách trộn các loại chế phẩm sinh học để tận dụng nguồn phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trở thành phân bón hữu cơ phục vụ bón trên cây trồng…
 

Hội ND huyện Thiệu Hóa lại chủ động kết hợp với ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường; hướng dẫn thành lập, hỗ trợ hoạt động các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp.

 
Theo đó, hàng năm, các chi, tổ Hội tích cực đăng ký thi đua các chỉ tiêu như: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường; không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn… Các cấp Hội lên kế hoạch, giao chỉ tiêu và khuyến khích các chi, tổ Hội căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường phù hợp.

 
Đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi tại các nông hộ, Hội ND huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi an toàn. Nhờ đó, hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện đang triển khai việc chăn nuôi áp dụng các biện pháp tiên tiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trong đó có việc xây dựng và sử dụng mô hình bể biogas khép kín vừa giúp các hộ tiết kiệm chi phí mua chất đốt, vừa giải quyết được lượng chất thải, nước thải của quá trình chăn nuôi…

 
Hội ND huyện cũng chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ các chi Hội đảm nhận hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đồng loạt hưởng ứng các đợt ra quân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, kênh mương dẫn nước nội đồng.
 

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 600 bể chứa rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; 230 mô hình đoạn đường nông dân tự quản; 16 mô hình tuyến đê sông Chu kiểu mẫu...

 
Thời gian tới, các cấp Hội ND sẽ tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời, nhân rộng các mô hình hay để giúp hình thành thói quen thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại các địa bàn nông thôn cho hội viên, nông dân. Các cấp Hội cũng sẽ hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các hình thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng lợi nhuận, góp phần bảo vệ môi trường. 
 
Duy Hải
 
 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn